Tin tức & sự kiện

Sinh viên Khoa Xây dựng cùng với Khoa Kiến trúc chương trình thường và quốc tế của Đại Học Duy Tân đạt giải nhất trong cuộc thi "Thiết kế mô hình nhà chống động đất" tại Đài Loan

  • Đăng bởi: phamphuanhhuy
  • Tin tức & sự kiện
  • 30/09/2023

Vô địch IDEERS châu Á - Thái Bình Dương 2023

và Chương trình Đào tạo chuẩn Quốc tế tại DTU

 

Giành Cup Vô địch cuộc thi IDEERS châu Á - Thái Bình Dương 2023 tại Đài Loan, bên cạnh rất nhiều giải thưởng lớn trong các kỳ Festival Sinh viên Kiến trúc Toàn quốc hay giải thưởng Loa thành, Đại học (ĐH) Duy Tân thêm phần khẳng định hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng của nhà trường đang đạt được những hiệu quả như kỳ vọng. Nền tảng này cũng chính là tiền đề đưa lĩnh vực Kiến trúc-Xây dựng của ĐH Duy Tân nằm trong Top 201-230 thế giới theo QS 2023.

 

Lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng của DTU

trên Bảng xếp hạng QS World Rankings by Subjects 2023

 

Ở lĩnh vực Kiến trúc-Xây dựng, ĐH Duy Tân đang đào tạo nhiều ngành nghề. Cụ thể gồm:

 

  • KỸ THUẬT XÂY DỰNG có các chuyên ngành:
    • Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp,
    • Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp chuẩn CSU (chương trình tiên tiến),
  • CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG có các chuyên ngành:
    • Công nghệ Quản lý Xây dựng,
    • Quản lý và Vận hành Tòa nhà,
  • KỸ THUẬT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG có chuyên ngành:
    • Xây dựng Cầu đường,
  • KIẾN TRÚC có các chuyên ngành:
    • Kiến trúc Công trình,
    • Kiến trúc Công trình chuẩn CSU (chương trình tiên tiến),

 

  • KIẾN TRÚC NỘI THẤT,
  • THIẾT KẾ ĐỒ HỌA,
  • THIẾT KẾ THỜI TRANG.

 

Chất lượng đào tạo được nâng cao cho các ngành Kiến trúc - Xây dựng

nhờ quá trình hợp tác với đại học lớn của Mỹ

 

Sinh viên theo học các ngành này đều rất tự tin trong suốt quá trình học tập bởi đang thừa hưởng thành quả từ quá trình hợp tác sâu rộng với nhiều trường đại học trong nước và quốc tế của ĐH Duy Tân. Trong đó, đặc biệt là việc hợp tác và tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo với:

  • ĐH Bang California ở Fullerton (1 trong những trường công lập hàng đầu bờ Tây nước Mỹ về Xây dựng), và
  • Cal Poly ở San Luis Obispo (xếp trong Top 5 ở Mỹ về ngành Kiến trúc ở bậc đại học)

để triển khai các Chương trình Tiên tiến và Chất lượng Cao đầu tiên về Kiến trúc và Xây dựng ở Đà Nẵng cũng như tại miền Trung Việt Nam.

 

Cùng với các chương trình đạt chuẩn Mỹ, sinh viên còn được đào tạo theo mô hình PBL (Project Based Learning) và PD (Project Design) cho ngành Kiến trúc, và CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate) cho ngành Xây dựng. Các mô hình đào tạo này đang được nhiều trường đại học uy tín trên thế giới áp dụng, giúp sinh viên tiếp thu và phát triển nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể tư duy sáng tạo giải quyết những vấn đề thực tiễn.

 

Đội DTU giành Cup Vô địch (ảnh trên)

và đội SET-DTU giành giải Ba tại cuộc thi

 

Chương trình đào tạo Kiến trúc-Xây dựng của ĐH Duy Tân theo đó trở nên vô cùng tiến tiến và ưu việt. Sinh viên được đào tạo để có thể xây dựng các mô hình có kết cấu chịu lực tốt, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường hay các vật liệu thông minh. Đặc biệt, nhiều môn học trong chương trình đào tạo cung cấp các kiến thức sâu rộng về ứng xử của kết cấu dưới tác động của tải trọng động đất. Đây là loại tải trọng đặc biệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người và hệ thống các kết cấu chịu lực khi thiết kế và xây dựng các công trình.

 

Trước thực tế, động đất ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều quốc gia, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam có những quy định khắc khe về việc thiết kế kháng chấn cho công trình. Nắm bắt được xu thế đó, chương trình đào tạo ngành Xây dựng và Kiến trúc của ĐH Duy Tân đã thay đổi và bổ sung nhiều môn học liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể như các môn: Động lực học kết cấu, Động đất và thiết kế công trình chịu động đất, Kết cấu nhà cao tầng, Kết cấu các công trình đặc biệt, Đồ án CDIO về xây dựng mô hình kết cấu kháng chấn,…

 

Ngoài ra, các môn học này trong chương trình chuẩn CSU được các giảng viên cao cấp của ĐH ĐH Bang California ở Fullerton và Cal Poly ở San Luis Obispo trực tiếp giảng dạy. Đây cũng là điểm nổi bật giúp sinh viên có thể nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành để tiếp thu thêm nhiều kiến thức đồng thời có thể đọc được các tài liệu khoa học bằng tiếng Anh.

 

 

Sinh viên Duy Tân thiết kế mô hình nhà chống động đất

 

Từ đây, sinh viên Duy Tân tự tin tham gia nhiều cuộc thi lớn trong nước và quốc tế. Trong cuộc thi Cuộc thi Giới thiệu và Trình diễn nghiên cứu về động đất trong trường học (Introducting and Demonstrating Earthquake Engineering Research In School - IDEERS) được tổ chức thường niên bởi Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Động đất Quốc gia Đài Loan, sinh viên Duy Tân đã giành chiến thắng với những mô hình xuất sắc nhất:

 

  • Giải Nhất cùng Cup Vô địch: đội DTU (gồm 3 thành viên: Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thanh Quyền và Nguyễn Hoàng Long) với mô hình nhà cao 60cm (yêu cầu của BTC là không vượt quá 75cm), nặng 423g và có thể chịu được động đất với gia tốc nền là (khoảng gần 8 độ richter),
  • Giải Ba: đội SET-DTU (gồm 4 thành viên: Phan Trọng Tiến, Cao Tiến Giang, Nguyễn Đức Mạnh, Lê Hữu Bằng) với mô hình nhà cao 60cm, nặng hơn một chút là 440g và cũng có thể chịu được động đất với gia tốc nền là .

 

Cuộc thi có 102 đội tham dự (trong đó khối học sinh phổ thông là 49 đội, đại học là 43 đội, khối sau đại học là 10 đội) đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm: Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Philipines, Indonesia, Hồng Kông, Macao, Việt Nam và chủ nhà Đài Loan.

 

Việt Nam có 3 đội tuyển đến từ các trường đại học (gồm 2 đội của ĐH Duy Tân và 1 đội của ĐH Xây dựng Hà Nội) thi đấu với những trường đại học uy tín, nổi tiếng trên thế giới với bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu chống động đất tham dự cuộc thi như: ĐH Quốc gia Nanyang - Singapore, ĐH Keimyung - Hàn Quốc, ĐH Pukyong Hàn Quốc, ĐH Quốc gia Pusan - Hàn Quốc, ĐH Khoa học và Công nghệ Kỹ thuật Hồng Kông, ĐH Quốc gia Đài Loan, ĐH Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan, ĐH Quốc tế INTI - Malaysia,… Trong 5,5 giờ, các đội dựng mô hình dựa trên vật liệu gỗ và keo. Các mô hình này phải tuân thủ quy định về kích thước, chiều cao, trọng lượng, kết cấu,… Mọi vi phạm quy định của cuộc thi đều bị loại hoặc trừ điểm.

 

IDEERS châu Á - Thái Bình Dương 2023

quy tụ những đội tuyển mạnh nhất khu vực tham dự

 

Sau cuộc thi, GS.TS. Chung-Che Chou - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Động đất Quốc gia Đài Loan, Trưởng BTC đã phỏng vấn nhanh đoàn của ĐH Duy Tân để tìm hiểu xem vì sao đoàn đạt nhiều giải cao như vậy. Ông tỏ ra rất ngạc nhiên khi các trang thiết bị của ĐH Duy Tân chưa theo kịp Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan nhưng 2 đội của ĐH Duy Tân với ý tưởng thiết kế độc đáo đã vượt qua được các đội đến từ các trường đại học lớn có trang thiết bị rất hiện đại và được đào tạo xây dựng mô hình nhà chống động đất bài bản trong chương trình đào tạo. Và đây cũng là một lần nữa khẳng định sự thay đổi đúng đắng trong chương trình đào tạo, cộng với sự hợp tác sâu và rộng với các ĐH lớn của Mỹ đã giúp cho SV ĐH Duy Tân có những sáng tạo nổi bật để từ có thể giành được quán quân cuộc thi đầy khó khăn này.

 

Các đội xuất sắc nhất đã được BTC trao giải như sau:  

  • Giải Nhất cùng Cup Vô địch Châu Á - Thái Bình dương: đội DTU của ĐH Duy Tân
  • Giải Nhì: đội KMU của ĐH Keimyung - Hàn Quốc
  • Giải Ba: đội SET-DTU của ĐH Duy Tân
  • Giải Khuyến khích: đội CUT của ĐH Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan, đội NTU-SG của ĐH Nanyang (Singapore), đội CYCU của ĐH Chung-Yuan (Đài Loan), đội UTHM của ĐH Tun Hussein - Malaysia, đội NTUAD của ĐH Khoa học và Công nghệ Đài Loan, đội NITI của ĐH Quốc tế INTI Malaysia, đội NTNU của ĐH Sư phạm Quốc gia Đài Loan