Đề tài nghiên cứu khoa học
Công nghệ bơm bê tông lần đầu tiên được sử dụng tại Mỹ trong những năm đầu 1930 và đến nay, công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi cho các công trình xây dựng. Đặc biệt đối với việc thi công các công trình có quy mô lớn như nhà cao tầng hoặc công trình cầu thì việc vận chuyển hỗn hợp bê tông từ vị trí chân công trình đến vị trí cần đổ bê tông bằng phương pháp bơm gần như là lựa chọn tối ưu nhất, tính đến thời điểm này.
Quan tâm đến tính bơm của hỗn hợp bê tông, trong thời gian gần đây, một số tác giả trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu tính chất ma sát của hỗn hợp bê tông khi chảy trong ống bơm cứng bằng thép. Các nghiên cứu này chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thực nghiệm và chế tạo, chuẩn hoá thiết bị thực nghiệm và thực nghiệm đo đạc trên hỗn hợp bê tông được làm từ các thành phần khác nhau. Các phép đo đã chỉ ra rằng, thông số độ sụt không thể phản ánh một cách đầy đủ tính dễ/khó bơm của bê tông. Thực tế, các nghiên cứu thực nghiệm trên chỉ ra rằng, khi thay đổi tỉ lệ cốt liệu thô, thay đổi hàm lượng phụ gia với một số cấp phối khác nhau về thành phần thì có thể có cùng một độ sụt nhưng thông số ma sát lại chênh lệch nhau đáng kể.
Để bổ sung cho cơ sở dữ liệu thực nghiệm cũng như làm cơ sở cho việc đánh giá xu hướng thay đổi tính dễ bơm của bê tông, trong nghiên cứu này, các tác giả khảo sát ảnh hưởng của thể tích hồ xi măng đến tính bơm của bê tông có xét thời gian lưu vữa. Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng vì hỗn hợp bê tông thương phẩm thông thường sẽ được trộn ở trạm trộn, sau đó dùng xe vận chuyển đến công trường. Việc vận chuyển này nhiều lúc sẽ mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là công trình thi công trong khu vực đô thị hoặc tại những khu vực có giao thông khó khăn.
Bài báo trình bày một số kết quả đo thông số bơm của một số cấp phối bê tông thương phẩm bao gồm độ sụt, thông số ma sát giữa vữa bê tông và thành ống thép theo thời gian lưu giữ vữa bê tông. Sự thay đổi của các thông số này được khảo sát theo sự thay đổi của hàm lượng nước và xi măng. Kết quả thực nghiệm cho thấy tỉ lệ nước và xi măng trong cấp phối bê tông cũng như thời gian ảnh hưởng đến lớn tính công tác và tính ma sát của hỗn hợp bê tông. Kết quả thí nghiệm cung cấp thêm một cơ sở dữ liệu và thông tin để thiết kế hỗn hợp bê tông đáp ứng về cường độ và thi công bơm.
Tải file đính kèm:
Bài viết liên quan