Các nội dung chuẩn bị bảo vệ Đồ án Thiết kế hình học đường
- Đăng bởi: duongminhchau
- Sinh viên
- 16/12/2016
Quy định về thuyết minh, bản vẽ
Thuyết minh, bản vẽ đạt yêu cầu:
Bản vẽ:
Bình đồ: phương án tuyến (các phương án tuyến đề xuất), Phương án chọn điền đầy đủ các cọc (tên cọc), kí hiệu Km
Bản vẽ khoanh lưu vực: Phương án tuyến chọn, vị trí cống, lưu vực và kí hiệu các lưu vực
Trắc dọc: (chú ý về màu sắc, khung tên, tỉ lệ, cỡ chữ)
Trắc ngang điển hình: các dạng mặt cắt ngang và lí trình áp dụng.
Thuyết minh:
Sắp xếp hồ sơ:
Phiếu giao nhiệm vụ đồ án; phiếu thông qua đồ án (bản gốc).
Mục lục
Nội dung đồ án
Tài liệu tham khảo.
Nội dung các chương, bắt buộc phải có các bảng biểu sau:
C2: 1 Bảng tổng hợp chỉ tiêu kĩ thuật.
C3: Bảng thông số đường cong nằm, xác định lí trình các cọc của đường cong nằm.
Bảng cắm cọc (TT tên cọc, lí trình, cao độ tự nhiên)
C4: Bảng tính toán thuỷ văn (xác định Qp)
Bảng chọn cống
C5: Bảng tính cao độ khống chế
C6: Bảng tính khối lượng đào đắp
C7: Bảng xác định vận tốc cân bằng, chiều dài tăng giảm tốc từng đoạn
Bảng tính thời gian xe chạy
Bảng tính tiêu hao nhiên liệu.
Tiêu chí chấm điểm:
- Thuyết minh tính toán đầy đủ các chương, mục theo nhiệm vụ được giao, kết quả phù hợp với nhiệm vụ.
- Câu hỏi bắt buộc (bốc thăm 2-3 câu hỏi và chỉ định nội dung theo yêu cầu): các câu hỏi ngắn, có thể bổ sung thêm câu hỏi.
- Câu hỏi trực tiếp: 1-2 câu
- Kiến thức cơ sở; phong cách bảo vệ, thời gian bảo vệ
Mỗi sinh viên chuẩn bị cho câu hỏi bắt buộc: tối đa 5 phút, câu hỏi trực tiếp: tối đa 2 phút
Tất cả các sinh viên tham gia bảo vệ Đồ án môn học: Đúng 7h30 ngày 25.12.2016 nộp thuyết minh, các bản vẽ sinh viên tự bảo quản.
Sau khi bảo vệ đồ án, sinh viên giữ lại bình đồ, trắc dọc tuyến để giảng viên giao nhiệm vụ ĐA Thiết kế nền mặt và Đồ án thi công đường.
CÂU HỎI ĐỒ ÁN MÔN HỌC
THIẾT KẾ HÌNH HỌC ĐƯỜNG
Trình bày tóm tắt nhiệm vụ và các bước thực hiện nhiệm vụ đồ án.
Liệt kê các chỉ tiêu kĩ thuật trong đồ án
Trình tự thiết kế bình đồ tuyến đường
Trình tự quy hoạch thoát nước
Trình tự thiết kế trắc dọc tuyến
Trình tự vẽ biểu đồ tốc độ xe chạy, tính toán lượng tiêu hao nhiên liệu
Chương 1&2
- Mục đích của việc tính toán, lựa chọn các chỉ tiêu kĩ thuật của tuyến. Lựa chọn 05 chỉ tiêu kĩ thuật mà anh/chị cho là quan trọng đối với công tác thiết kế tuyến trên bình đồ.
- Trình bày và phân tích các chỉ tiêu kĩ thuật ảnh hưởng lớn nhất đến công tác vạch tuyến trên bình đồ.
- Trình bày căn cứ chọn bán kính đường cong nằm, áp dụng trong đồ án (GV chấm chỉ định trên bình đồ)
- Nêu các tiêu chí phân loại địa hình, áp dụng cụ thể trong đồ án.
- Giải thích việc xác định cấp kĩ thuật và tốc độ thiết kế trong đồ án.
- Phân tích tầm quan trọng của cấp kĩ thuật của đường đối với các nhiệm vụ thiết kế tuyến đường trong đồ án.
- Phân tích vai trò của Tốc độ thiết kế đối với công tác thiết kế tuyến cụ thể trong đồ án.
- Giải thích việc xác định trị số idmax trong đồ án. Vận dụng giá trị idmax trong đồ án như thế nào?
- Trị số idmin được xác định trên cơ sở nào. Xác định phạm vi áp dụng số idmin trong đồ án.
- Trình bày các giải pháp thiết kế hạn chế bất lợi khi xe chạy vào đường cong nằm áp dụng trong đồ án.
- Siêu cao là gì, mục đích của việc bố trí siêu cao? Chỉ rõ các đường cong sử dụng biện pháp cấu tạo siêu cao trong đồ án. Trình bày ưu, nhược điểm của việc bố trí siêu cao của đường cong cụ thể trong đồ án. Các thông số kĩ thuật khi thiết kế của biện pháp cấu tạo siêu cao là gì?
- Vẽ các mặt cắt ngang thể hiện các giai đoạn của quá trình thực hiện siêu cao cho đường cong cụ thể trong đồ án (do giảng viên chỉ định), chỉ rõ vị trí của các mặt cắt ngang trên bình đồ tuyến.
- Trình bày lí do thiết kế mở rộng phần xe chạy, các thông số thiết kế của đường cong nằm có mở rộng phần xe chạy, sử dụng các thông số này như thế nào?
Chương 3
- Trình bày nội dung và trình tự thiết kế bình đồ tuyến đường.
- Anh/chị hiểu thế nào về vấn đề phối hợp các yếu tố tuyến trên bình đồ. Minh hoạ các nội dung được áp dụng trong đồ án.
- Anh/chị hiểu thế nào về vấn đề phối hợp bình đồ - trắc dọc trong thiết kế đường. Minh hoạ các nội dung được áp dụng trong đồ án.
- Bước compa là gì? Trình bày việc xác định bước compa trong thiết kế tuyến áp dụng trong đồ án.
- Trình bày chức năng, và phạm vi sử dụng đường cong chuyển tiếp. Đối với đường cong nằm nào trong đồ án phải thiết kế đường cong chuyển tiếp. Cơ sở lựa chọn các thông số của đường cong chuyển tiếp, sử dụng các thông số thiết kế này như thế nào?
- Các chỉ tiêu kĩ thuật (đã xác định ở chương 2) được vận dụng để thiết kế bình đồ tuyến như thế nào?
- Lý trình của một cọc là gì? Trình tự xác định lí trình các cọc TD, P, TC cho một đường cong cụ thể trong đồ án. Cách tính chiều dài tuyến thực của phương án tuyến.
- Trình bày các tiêu chí sơ bộ lựa chọn phương án tuyến trên bình đồ. Giải thích lý do chọn phương án tuyến thiết kế.
- Phương pháp xác định cọc tiếp đầu của đường cong nằm trong đồ án và trên thực địa. Vai trò của cọc tiếp đầu trong thiết kế và xây dựng đường. Để xác định vị trí cọc tiếp đầu, cần có các thông tin gì?
Chương 4
- Trình bày nội dung và trình tự thiết kế quy hoạch thoát nước.
- Liệt kê các công trình trong hệ thống thoát nước mặt có trong đồ án. Trình bày chức năng cụ thể của mỗi công trình.
- Trình bày khái niệm về đường phân thuỷ, tụ thuỷ, lưu vực. Trình bày phương pháp xác định lưu vực cho một công trình thoát nước cụ thể trong đồ án (do giảng viên chỉ định).
- Nêu trình tự xác định lưu lượng cho công trình thoát nước trên tuyến. Vận dụng cho một công trình cụ thể trong đồ án.
- Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến trị số Qp%. Giải thích các yếu tố mà anh/chị cho là ảnh hưởng lớn nhất.
- Trình bày các tiêu chí phân loại cống trong đồ án. Nêu các loại cống (theo cách phân loại trên) sử dụng trong đồ án, giải thích lý do chọn.
- Ưu và nhược điểm của cống tròn và cống hộp. Vận dụng cho việc lựa chọn loại hình cống trong đồ án như thế nào?
- Trình bày cách xác định khẩu độ công trình cống trong đồ án. Giải thích đại lượng Hd và V, mục đích của việc xác định các thông số này.
Chương 5
- Giải thích ý nghĩa các thông số thể hiện trong mục đường thẳng, đường cong ở bản vẽ trắc dọc sơ bộ. Sử dụng các giá trị này như thế nào trong thiết kế và thi công đường.
- Phương pháp xác định cao độ tự nhiên trên bình đồ tuyến và ngoài thực địa. Vận dụng tính toán cho một cọc cụ thể trong đồ án (do giảng viên chỉ định)
- Cao độ khống chế là gì? Nêu các loại cao độ khống chế. Trong đồ án, các có những loại cao độ khống chế nào, cách xác định?
- Các yêu cầu thiết kế trắc dọc. Trong đồ án, cần xem xét các yêu cầu nào, minh hoạ giải pháp đạt được các yêu cầu đặt ra.
- Cách xác định cao độ thiết kế trên trắc dọc? Vận dụng tính toán cho một cọc tại vị trí đổi dốc (đỉnh đường cong đứng), có đường cong đứng và điểm TD, TC hoặc P (đường cong nằm) trong đồ án.
- Khái niệm, chức năng của điểm xuyên. Cách xác định vị trí và cao độ (thiết kế) của điểm xuyên trong đồ án.
- Trình bày nội dung và trình tự thiết kế trắc dọc, minh hoạ đối với phương án tuyến.
Chương 6
- Mục đích của việc thiết kế trắc ngang điển hình. Các dạng mặt cắt ngang trong đồ án áp dụng trong đồ án như thế nào, minh hoạ cho các đoạn tuyến cụ thể.
- Vẽ gần đúng mặt cắt ngang cho một cọc lý trình cụ thể trong đồ án với tỉ lệ 1:200, ghi đầy đủ các thông số thiết kế.
- Nêu phương pháp tính toán khối lượng công tác đất, minh hoạ cho một đoạn tuyến do giảng viên chỉ định.
Chương 7
- Trình bày các nội xác định các chỉ tiêu khai thác trong đồ án, ý nghĩa của việc xác định các chỉ tiêu này.
- Nêu mục đích và trình tự vẽ biểu đồ tốc độ xe chạy lý thuyết trong đồ án. Tại sao gọi là biểu đồ tốc độ lý thuyết.
- Viết công thức tính đoạn St,g và Sh? Giải thích các đại lượng trong công thức bằng số liệu cụ thể trong đồ án.
- Nêu phương pháp tính toán thời gian và tốc độ xe chạy trung bình. Vận dụng trong đồ án như thế nào?
- Nêu phương pháp tính toán lượng tiêu hao nhiên liệu. Vận dụng trong đồ án như thế nào?