Tin tức & sự kiện

Vươn mình từ trường đại học trở thành đại học, Duy Tân mang lại ý nghĩa gì?

  • Đăng bởi: nguyenquoclam
  • Tin tức & sự kiện
  • 08/10/2024

Ngày 7-10, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã ký quyết định số 1115 chuyển Trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân.

Là trường tư thục đầu tiên trong cả nước biến mình thành đại học, cũng là đại học thứ 3 sau Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh với mô hình mới: 1 dấu, 1 logo, một loại bằng.

Một cơ sở của ĐH Duy Tân -120 Hoàng Minh Thảo - Đà Nẵng

 Một cơ sở của Đại học Duy Tân ở Quận Liên Chiểu - Đà Nẵng

Việc trường đại học trở thành đại học có ý nghĩa gì?

 

Thứ nhất, đáp ứng xu hướng khoa học công nghệ.

Đáp ứng xu hướng khoa học công nghệ hiện đại yêu cầu nghiên cứu sâu, rộng hơn, liên kết đa ngành để tạo ra những giá trị tri thức lớn hơn. Việc một đại học đa ngành tạo điều kiện tốt hơn cho sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực tạo ra nhiều giá trị hơn. Các giá trị được chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá bỏ rào cản giữa các phòng ban và trường thành viên, thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp. Nhìn vào lịch sử phát triển của nền giáo dục đại học ở Việt Nam trước đây, phần lớn các trường đại học được xây dựng theo mô hình tổ chức và hoạt động của Liên Xô cũ. Các trường đại học lấy tên thường gắn với chuyên ngành chính mà trường đào tạo, ví dụ như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường đại học Y Hà Nội... làm hạn chế khả năng đào tạo khi xu thế thị trường lao động biến động. Họ không đủ sức thu hút giảng viên và sinh viên giỏi. Sau đó, trong quá trình phát triển để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam thành lập đại học quốc gia và các đại học vùng trên cơ sở sát nhập các trường đại học thành viên cũng đã tạo ra các đại học đa ngành, đa lĩnh vực, mức độ tự chủ cao hơn các trường đại học đơn lẻ song cơ cấu quản lý gần như độc lập cũng chưa phát huy rõ nét sự hợp tác giữa các đại học thành viên. Việc các trường đại học nâng tầm thành đại học với mô hình hoạt động mới sau này đáp ứng rõ nét hơn việc hợp tác, chia sẽ nguồn lực giữa các lĩnh vực. Có thể thấy điều đó ở các nội dung nghiên cứu ngành lai giữa y- điện tử, y - cơ học... ở Đại học Duy Tân.

 

Thứ hai, danh tiếng và xếp hạng.

Ở vị thế của đại học thường được xem như có uy tín cao hơn, góp phần làm tăng hình ảnh của đại học và thu hút được nhiều sự chú ý cả trong và ngoài nước để dẫn đến những cơ hội hợp tác quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Ở khía cạnh phạm vi học thuật, đại học không chỉ đào tạo một số ít ngành học như trước mà chuyển sang đa lĩnh vực như một số đại học nước ngoài như Kỹ thuật công nghệ, Kinh doanh, Y tế, Giáo dục, Nghệ thuật, Luật… Nó cũng là những tiêu chí đánh giá trong bảng xếp hạng các đại học. Một đại học có danh tiếng theo bảng xếp hạng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế lớn, tận dụng nguồn lực để phát triển và người học cũng được hưởng lợi khi hội nhập quốc tế. Từ đây, các đại học trực tiếp thu hút giảng viên giỏi, sinh viên giỏi và sinh viên quốc tế đông đảo.

 

Thứ ba, cụ thể hóa chủ trương phát triển đại học của quốc gia

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã quy định 2 hướng phát triển, “chuyển trường đại học thành đại học; liên kết các trường đại học thành đại học” và giao Chính phủ cụ thể hoá định hướng đó để phát triển nhiều cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong toàn hệ thống. “Chủ trương này nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống gồm nhiều trường đại học chuyên ngành/đơn lĩnh vực để tạo cơ chế cho những trường đại học lớn mạnh có lộ trình phát triển thành các đại học đa lĩnh vực, có thể cộng các nguồn lực (về nhân lực, cơ sở vật chất, thế mạnh, đối tác hợp tác...) đủ khả năng nhận nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu liên ngành để phát triển ở tầm quốc gia, khu vực, quốc tế; có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; có cơ hội/đủ điều kiện nhận được những chính sách đầu tư phát triển tương xứng với năng lực của mình... và có thể tham gia vào các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới để nâng cao uy tín của giáo dục đại học Việt Nam. Phát triển thành đại học cũng là sự khẳng định trường có đủ năng lực đào tạo với quy mô lớn và trình độ cao; đồng thời, là sự phát triển về nhân lực và năng lực quản trị, quản lý”.

Trường đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân thì đại học này chính thức trở thành 1 trong 8 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình "Đại học đa ngành, đa lĩnh vực". 

Đại học Duy Tân hiện có 7 trường đào tạo thành viên và 2 viện đào tạo: Trường Khoa học máy tính, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và Kinh doanh, Trường Ngôn ngữ và Xã hội nhân văn, Trường Du lịch, Trường Y - Dược, Trường Đào tạo quốc tế, Viện Quản lý Nam Khuê và Viện Việt - Nhật.

Đại học Duy Tân, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã tuyển sinh được 63 nghiên cứu sinh, 3.045 học viên cao học, 109.130 sinh viên đại học - cao đẳng, 12.400 học viên trung cấp chuyên nghiệp.

Nhà trường đã cung cấp cho xã hội 77.604 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, dược sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ

Một cơ sở mới hình thành trong tương lai

Khoa Xây dựng thuộc Trường đào tạo Công nghệ _ Kỹ thuật (College) - Đại học Duy Tân là đơn vị thứ 2 trong khu vực Miền Trung, đào tạo cán bộ kỹ thuật Xây dựng từ 1997, có vị thứ xếp hạng cao theo nhóm ngành (xếp trong nhóm 201-230 thế giới 2023 - QS) Hiện nay đào tạo các bậc hệ từ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. 3 chuyên ngành được Khoa Xây dựng đào tạo đáp ứng yêu cầu cho thị trường lao động kỹ thuật, quản lý xây dựng:

- Kỹ sư Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp

- Kỹ sư Xây dựng Cầu Đường

- KS Công nghệ - Quản lý Xây dựng

 Hoạt động học tập môn Trắc Địa của sinh viên Xây dựng - ĐH Duy Tân

Một vài nét về Đại học Duy Tân 2024:

Đại học Duy Tân xếp hạng 495 các Đại học Tốt nhất Thế giới theo QS World University Rankings 2025

Top 600+ Các Đại học tốt nhất thế giới năm 2024 theo Times Higher Education (THE)

Đại học thứ 2 của Việt Nam đạt kiểm định ABET của Mỹ

Trường đầu tiên của Việt Nam đạt Kiểm định UNWTO TedQual cho Du lịch.

Xếp hạng 296 các trường đại học Đại học toàn cầu năm 2024 theo U.S.News & World Report

Xếp thứ 1.030 thế giới trên bảng xếp hạng CWUR (CWUR-Center for World University Rankings)

Xếp thứ 452 thế giới trên Bảng Xếp hạng URAP - Tổ chức Xếp hạng Đại học Thế giới theo Thành tựu Học thuật - URAP (University Ranking by Academic Performance)

Trường Công nghệ - Đại học Duy Tân hiện đào tạo 4 chương trình tiến sĩ, 3 chương trình thạc sĩ và 10 ngành và 20 chuyên ngành đào tạo đại học.

 

Phát bằng tốt nghiệp
Phan Minh Tiến
Hoạt động ngoại khóa
Truy Tìm Kho báu 2024