Các xuất bản
Dương Minh Châu
Tạp chí khoa học công nghệ Đại học Đà Nẵng số 108, 2016
Theo WHO [5], hàng năm, có trên 1,2 triệu người chết do tai nạn giao thông đường bộ, hàng triệu người bị thương, tàn tật liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân số 1 dẫn đến tử vong của độ tuổi từ 15-29, và là nguyên nhân cao thứ 9 dẫn đến chấn thương cho con người, dự kiến đến năm 2030, nguyên nhân này sẽ xếp thứ 7. Thiệt hại do tai nạn giao thông chiếm 5% GDP ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới, ở Việt Nam ước tính thiệt hại 2,89% GDP.
Số liệu thống kê của Cục cảnh sát giao thông – Bộ Công An, năm 2015, cả nước xảy ra 22.326 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 8.435 người chết và 20.815 người bị thương [1]. Mặc dù tai nạn giao thông năm 2015 được đánh giá là đã giảm ở cả ba tiêu chí so với năm 2014 (số vụ, số người chết và số người bị thương), song tai nạn giao thông đường bộ vẫn là vấn đề nhức nhối.
Theo các số liệu thống kê ở Mỹ cho thấy, điều kiện đường liên quan đến 34% số vụ tai nạn, tỷ lệ tai nạn chỉ hoàn toàn do điều kiện đường chỉ chiếm 3% tổng số vụ tai nạn[3].
Ở Việt Nam, Cục cảnh sát giao thông công bố nguyên nhân gây tai nạn liên quan đến người lái là 62%, các nguyên nhân khác là 38% [1]. Như vậy, có thể thấy việc thống kê nguyên nhân gây tai nạn đường bộ hiện nay vẫn tập trung vào lỗi của người điều khiển mà chưa phân loại cụ thể các nguyên nhân liên quan đến phương tiện và điều kiện đường.
Luật Giao thông Đường bộ 2008 (Luật số 23/2008/QH12), Nghị định 11/2010/ND-CP ngày 22/2/2010 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/201, Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dã để cập đến vấn đề thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.
Như vậy, vấn đề ảnh hưởng của điều kiện đường đến an toàn giao thông cũng đã được đề cập trong các văn bản pháp quy. Song, đến nay, các nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng điều kiện đường và tai nạn giao thông vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi.
Từ những năm 1970, V.F. Babkov đã xây dựng mô hình dự báo tai nạn giao thông dựa vào điều kiện đường, sử dụng các dữ liệu tai nạn đã thu thập được kết hợp với các mô hình thống kê toán học đã đưa ra được mối quan hệ giữa số vụ tai nạn thông qua 14 hệ số riêng phần.
Năm 2010, Hiệp hội những người làm đường và vận tải Mỹ (AASHTO) ban hành Sổ tay an toàn giao thông (HSM – Highway Safety Manual) dựa trên các dữ liệu tai nạn, các nghiên cứu chuyên sâu về điều kiện đường và tai nạn giao thông đường bộ, xây dựng các mô hình dự báo tai nạn cho các loại đối tượng khác nhau (đoạn đường, nút giao thông, mạng lưới đường). HSM đang được nghiên cứu, triển khai ở rộng rãi ở Mỹ, Canada và Italia.
Bài báo giới thiệu phương pháp phân tích và dự báo tai nạn trên đường ô tô hai làn xe theo HSM và kết quả áp dụng HSM dự báo tai nạn tuyến quốc lộ 1A đoạn tránh Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Tải file đính kèm:
Bài viết liên quan