Cựu Sinh Viên

Tôi đã có một "nền móng" như thế

  • Đăng bởi: nguyentheduong
  • Cựu Sinh Viên
  • 19/11/2018

Phạm Ninh Hà, 21CĐX.

LTS. Hưởng ứng cuộc thi viết về thầy, cô Khoa Xây dụng nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Khoa Xây dựng đã nhận được bài viết của một nữ sinh đã tốt nghiệp cách đây 14 năm. Xin trân trọng giới thiệu cùng thầy cô giáo và các bạn.

 

Sáng nay, cũng như những ngày thứ 2 đầu tuần khác, công việc làm tôi bận rộn hơn sau ngày nghỉ Chủ nhật. Cuối giờ trưa, lướt vội facebook đọc tin tức thì đọc được dòng tin của
Khoa Xây dựng – Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng về cuộc thi “Viết về Khoa Xây dựng”, cảm xúc về ngôi trường cũ 14 năm trôi qua chưa bao giờ phai nhòa trong trí nhớ của tôi.
Hình ảnh về cô Sinh viên Cao đẳng Xây dựng – Khóa 2001-2004 lơ ngơ ngày đầu nhập học  lại hiện về.

Nhớ lại năm tôi học lớp 10, tôi được ba mẹ cho ra Đà Nẵng thăm cậu. Lúc đi qua đường Nguyễn Văn Linh, tôi nhìn thấy bảng hiệu trường Đại học Dân lập Duy Tân, tôi đứng lại nhìn rồi tự hỏi có khi nào mình học ở đây không nhỉ? Rồi bẵng đi, tôi cũng không còn nhớ lời nói đó nữa. Năm lớp 12, tôi đăng ký các trường ở Đà Nẵng có ngành Xây dựng. Ngày thi ở trường Duy Tân, tôi ngồi làm bài thi ở cơ sở Phan Thanh, lúc đó cơ sở 184 Nguyễn Văn Linh đang thi công.

Phạm Ninh Hà trong ngày lễ Tốt nghiệp


Ngày nhận Giấy báo nhập học, với số điểm thi Đại học, tôi có thể chọn các ngành Đại học thuộc Khoa khác nhưng tôi lại chọn Cao đẳng thuộc Khoa Xây dựng. Và ở nơi đó đã chắp cánh ước mơ, hoài bão cho một cô bé nhút nhát là tôi.


Ngày đầu tiên nhập học, tôi lò dò hỏi các anh chị khóa trên và được hướng dẫn tới bảng tin trường xem phòng học của lớp 21CĐX, xem xong rồi lại lần mò tìm lớp. Đứng ngoài cửa nhìn vào trong lớp thấy toàn con trai, trong lòng có chút hơi lo sợ nhầm lớp, tôi chạy xuống phòng Đào tạo hỏi thì được cô chỉ dẫn đúng lớp khi nãy. Đứng lơ ngơ trước cửa lớp thì có anh hỏi vọng ra: ”Em ơi, em tìm ai?”. Im lặng, hít một hơi đi thẳng vào lớp giữa những ánh nhìn ngạc nhiên… Lát sau, thầy Bình – giáo viên Chủ nhiệm vào điểm danh, đến tên tôi thì cả lớp mới vỡ òa ra vì tên tôi bị nhầm là tên con trai. Tôi nhập học muộn hơn các bạn trong lớp 1 tuần vì cơn bão gây chậm chuyển phát thư.

Trong suốt 3 năm học ở trường, thầy cô vào dạy đều cười và nói “Có một bông hoa lạc giữa rừng gươm” và tôi bỗng dưng nổi tiếng về điều đó vì trước giờ chưa xảy ra trường hợp này.

Khi biết tôi học ở trường Duy Tân, có nhiều người bĩu môi nói là học ở trường Dân lập, tôi biết họ nghĩ gì nhưng tôi không quan tâm nhiều lắm. Học ở trường mới thấy “Vào thì dễ, ra mới khó”. Năm học đầu tiên chủ yếu là chương trình Đại cương, tuy học cả ngày nhưng vẫn nhẹ nhàng. Năm thứ 2 và năm thứ 3 học về chuyên ngành thì mới thấy thực sự áp lực. 3 năm học ở trường là 3 năm tôi miệt mài bên bài vở, những đêm thức trắng bên đồ án môn học và những đợt đi thực địa liên tục. Có lúc tôi stress vì áp lực bài vở, có một số bạn đã xin chuyển
ngành học khác, có bạn trong lớp đã hỏi “Liệu Hà có học nổi không?”, tôi tự tin nói:”Chắc chắn Hà sẽ học tốt!”.

Những buổi không đi học, tôi lại lên Thư viện trường tìm tài liệu để học, đó cũng là nơi tôi thích nhất và thường ngồi lỳ đến hết giờ. 14 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in lời của một người thầy đã nói với tôi:”Khi em chọn học ngành Xây dựng thì nam hay nữ cũng phải học như nhau mặc dù đối với nữ sẽ khó khăn hơn”.

Thầy Trưởng Khoa Xây dựng những năm tôi theo học là thầy Phụng, thầy Bình làm Chủ nhiệm lớp một thời gian thì thầy đi học nên thầy Hội làm Chủ nhiệm cho đến khi tôi ra trường. Thầy Phụng thi thoảng gặp tôi ở sảnh trường thường hỏi han tôi học hành thấy thế nào rồi thầy động viên cố gắng học. Còn thầy Hội thì luôn gọi tôi là “con gái” rất tình cảm, những lúc tôi bị các bạn nam trêu chọc thì tôi đều mách thầy, tôi cũng hay tâm sự mọi
chuyện với thầy. Thầy Phụng và thầy Hội là hai người thầy mà tôi rất kính trọng và tôi xem hai thầy như người cha của mình, ngày tôi nhận bằng Tốt nghiệp tôi vinh dự được chụp hình kỉ niệm với hai thầy. Ngoài hai thầy thì tôi cũng nhận được nhiều tình cảm, động viên, khích lệ từ thầy cô trong Khoa, chính từ những điều đó mà tôi luôn cố gắng học tập thật tốt để cám ơn thầy cô.

Những năm đó, cơ sở của trường vẫn còn hạn chế nhưng việc học của chúng tôi thì luôn đảm bảo tiêu chí “gắn liền với thực tế”. Đó là những ngày tháng đi thực tập môn Trắc địa, môn Địa chất, môn Vật liệu Xây dựng, thực tập Công nhân,… Khi lớp tôi học môn Bê tông cốt thép, thầy Huy có nói với lớp tôi là nên tới các nhà dân đang thi công đổ sàn để xem cách họ bố trí cốt thép thế nào, vừa học vừa kết hợp thực tế thì tốt cho việc học của bọn tôi hơn. Một buổi sáng tới lớp, có một anh trong lớp rủ tôi cuối tuần đi học hỏi một nhà dân mà anh vừa
xin và chúng tôi được anh thi công cũng nhiệt tình trả lời những câu hỏi ngây ngô của bọn tôi. Tôi nhớ những lần đi thông Đồ án, thầy luôn cầm sẵn một cây thước kẻ với mục đích đo tỉ lệ kích thước vì sợ bọn tôi vẽ theo kiểu tự do. Lúc này bọn tôi vẫn còn vẽ tay bằng bút chì sau khi thầy duyệt bài rồi mới được “chạy mực”. Những môn học chuyên ngành khác, các thầy luôn khuyến khích bọn tôi đi ra ngoài tham quan học hỏi. Buổi tối, bọn tôi tham gia lớp Trung cấp Tin học Xây dựng mà chủ yếu là Dự toán và vẽ AutoCAD do các thầy trong Khoa Xây dựng dạy. Nhờ đã học ở trường nên đó cũng là một lợi thế khi tôi ra trường.

Tôi nhớ lần thực tập Tốt nghiệp, cô Liên nói có 1 suất thực tập ở Công ty Vinaconex Tam Kỳ - Quảng Nam, tôi không do dự mà quyết định đăng ký vác balo đi xa với lịch trình là cuối tuần về gặp cô báo cáo tình hình thực tập. Kỳ thực tập đó đúng là có ý nghĩa rất nhiều vì tôi được học cách làm việc ở văn phòng của các anh chị trong công ty, sau một tuần ở văn phòng thì tôi được ra công trình thực tập từ phần móng lên đến phần sàn.
Các khóa Cao đẳng trước thì đều phải thi Tốt nghiệp nhưng đến khóa của tôi thì có đổi mới là xét làm Đồ án Tốt nghiệp. Và tôi có trong diện làm Đồ án Tốt nghiệp! Đó cũng xem như công trình đầu tay của tôi từ việc chọn Đề tài, vẽ kiến trúc rồi tính kết cấu và làm một chút biện pháp thi công. Ngày tôi bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp, cảm giác đến bây giờ nhớ lại vẫn còn run.

Ra trường, tôi đi làm luôn sau đó. Với những kiến thức đã học ở trường và những lần đi trải nghiệm bên ngoài nhất là lần đi thực tập Tốt nghiệp ở Quảng Nam, tôi cũng tích lũy chút ít kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào công việc của mình. Đi làm hai năm ở phòng Hạ tầng kinh tế huyện thì tôi xin nghỉ việc đi học Liên thông ở Đà Nẵng 2 năm. Vì lúc này trường chưa có hệ đó nên tôi học ở trường ĐH Bách khoa, mỗi dịp 20-11 tôi lại rủ một số bạn đã từng học ở trường xuống thăm thầy cô ở Khoa Xây dựng. Sau khi học xong chương trình Liên thông, tôi xin vào Công ty xây dựng lớn của tỉnh, có một sự trùng hợp là công ty tôi làm cũng chỉ có một mình tôi là nữ xây dựng. Có lẽ đã quen với việc “mình là duy nhất” từ thời Sinh viên nên đối với tôi cũng không lạ lẫm gì. Bây giờ thì tôi cũng đã học xong chương trình Cao học và cũng nhận được lời đề nghị tiếp tục làm Nghiên cứu sinh.

Khi viết về những kỷ niệm này, những thành quả mà mình đã đạt được từ khi rời mái trường Đại học Duy Tân… trong tôi đó là sự biết ơn thầy cô ở Khoa Xây dựng đã dìu dắt từng bước một để tôi được như bây giờ, đó là nền tảng để tôi vững tin bước tiếp trên con đường sự nghiệp của mình. Hay nói theo kiểu ví von của dân Xây dựng là: Công trình có bền vững hay không đều phụ thuộc vào nền móng có ổn định hay không. Khoa Xây dựng - Trường  Đại học Duy Tân chính là nền móng vững chắc của tôi khi bước vào đời.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em kính chúc thầy cô sức khỏe dồi dào, công tác tốt, và thành công trong sự nghiệp trồng người. Em xin được gởi lời cám ơn thầy cô đã từng dạy em vì thầy cô đã chắp cánh cho những ước mơ của em để vươn tới thành công như ngày hôm nay. Em xin cám ơn Khoa Xây dựng đã tổ chức cuộc thi này để em có dịp bày tỏ những cảm xúc của em về mái trường cũ.