Cựu Sinh Viên

Muôn nẻo đường dẫn đến thành công với ngành Xây dựng (kỳ 1).

  • Đăng bởi: nguyenquoclam
  • Cựu Sinh Viên
  • 22/03/2018

Từ năm 2012, với Nghị quyết số 11/NQ-CP được áp dụng mà theo đó, việc cắt giảm đầu tư công làm cho thị trường xây dựng cơ bản đi chững lại với các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp xây dựng trước đây bám vào Nhà nước trở nên khó khăn, thiếu việc làm và tất yếu là cắt giảm nhân sự và thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là kỹ sư Xây dựng mới tốt nghiệp khó kiếm việc làm hoặc chấp nhận mới mức ưu đãi rất thấp và đó là lý do các học sinh phổ thông ít lựa chọn vào học các ngành Kỹ thuật xây dựng.

Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi phát triển kinh tế, từ 2015 ngành Xây dựng phát triển vượt bậc và nhu cầu nhân lực (kỹ sư xây dựng) tăng cao. Theo thống kê của trang web tuyển dụng nổi tiếng VietnamWork.com, có đến 13% nhân sự cần tuyển trên khắp các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ - xã hội toàn quốc(1). Và cũng theo thống kê khảo sát việc làm của Phòng Hợp tác Doanh nghiệp và Chuyển giao công nghệ - Trường Đại học Duy tân, có đến 93,44% SV Ngành Cầu Đường và 98,70% sinh viên ngành Xây dựng DD&CN có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.  Điều đáng mừng là mức thu nhập trung bình trong khoảng từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh nhu cầu tăng cao nhu cầu nhân lực, việc cạnh tranh của các Doanh nghiệp nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á cũng đang khiến cho các Doanh nghiệp Xây dựng trong nước phải điều chỉnh chất lượng tuyển dụng và cũng phải trả lương cạnh tranh cho các người giỏi.

Theo dòng sự kiện này, Khoa Xây dựng cũng đã liên hệ với các anh chị em cựu sinh viên đã thành công để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình học tập, bước đầu khởi nghiệp để hy vọng góp thêm với độc giả một số kinh nghiệm cho nghề nghiệp của mình sau này. Kỳ 1 lần này, xin chia sẻ kinh nghiệm của anh HMT cựu sinh viên khóa K16XDD ngành Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp, đang làm việc tại Malaysia.

Hình ảnh anh cựu sinh viên HMT đang làm việc tại Malaysia - Nguồn HMT

Mình là sinh viên khoá K16 (2010-2015) ngành Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp, Đại học Duy Tân.

Quá qua trình học tập, tốt nghiệp và đi làm thực tế mình có một số trải nghiệm nhỏ cũng như những thứ mà trước đây trong ghế nhà trường mà mình chưa hình dung ra được, những điều trên sau khi tốt nghiệp đại học chắc chắn các bạn cũng sẽ trải qua. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các bạn mình có một số chia sẻ. Hy vọng sau khi ra trường các bạn sẽ có một công việc tốt như ý muốn.

Thứ nhất, lúc vừa ra trường thì theo mình là thời gian khá khó khăn. Bản thân chưa có kinh nghiệm, chỉ mang một số kiến thức cơ bản cùng lý thuyết học trong trường. Vậy, khi nhà tuyển dụng tuyển bạn vào làm với một vị trí tốt, mức lương cao với kinh nghiệm là con số không tròn trĩnh thì chắc chắn họ sẽ chú ý vào quá trình học tập (bảng điểm các môn chính, đồ án) và kiến thức của bạn. Bên cạnh đó, họ chú ý một phần nhỏ khả năng giao tiếp,... (cái này sẽ tuỳ những nhà tuyển dụng và tuỳ vị trí họ muốn bạn làm việc).

Khi vừa ra trường năm 2015 mình đã vào làm công ty Tư vấn & Giám sát. Mình chỉ toàn ngồi ở văn phòng và làm thiết kế, cụ thể là ở mảng nhà cao tầng. Lúc này mình cũng hình dung rõ ràng hơn công việc lúc ra trường trong ngành xây dựng rất phong phú, phân rẽ ra nhiều nhánh khác nhau. Đơn cử như tư vấn thiết kế, có thể nhà tuyển dụng sẽ tuyển bạn vào làm thiết kế viên, hồ sơ, bóc khối lượng, vẽ cad... và tuỳ theo năng lực của bạn và tất nhiên những công việc khác nhau sẽ mang đến mức lương, kinh nghiệm học hỏi, cơ hội không giống nhau. Những nhánh công việc này theo mình tốt nhất các bạn nên nghiên cứu ngay khi còn trên giảng đường, điều này khá quan trọng.

Thứ hai, khi còn đi học là thời gian lý tưởng để trau dồi và học thêm ngoại ngữ. Cùng một công việc nhưng nếu bạn có thêm khả năng ngoại ngữ thì chắc chắn lương của bạn sẽ là gấp đôi hoặc có thể gấp ba mà quan trọng hơn nữa sẽ được học tập, làm việc trong môi trường tốt, quốc tế. Các bạn nên lưu ý là ngoại ngữ không thể học gấp rút kiểu như luyện thi hay gì đó mà phải học thường xuyên trong một thời gian dài.

Thứ ba, các bạn phải xác định được mình học để kiếm nghề cho mình, nghề này sẽ nuôi bạn, gia đình bạn. Vì vậy nên cố gắng để có được một sự chuẩn bị tốt nhất.

Thứ tư, theo mình chính là giai đoạn làm đồ án tốt nghiệp, lúc chọn đề tài nên chọn những đồ án khó, khoai, chọn cái nào ngoài tầm với của bạn luôn cho máu. Không việc gì phải sợ cả vì đã có Thầy hướng dẫn, có google để hỏi, còn hoàn thành được hay không sẽ tuỳ thuộc vào bản thân bạn có theo đuổi đến cùng hay không thôi. Lợi ích mang lại là bạn sẽ cũng cố và ghi nhớ rất lâu kiến thức sau khi ra trường, được tìm hiểu, giải quyết những khía cạnh mới, khó, hóc búa, những điều này sẽ gặp lại sau này khi đi làm hằng ngày, được Thầy giỏi hướng dẫn tận tình. Khó làm lâu, quen dần cũng thành dễ. Và cái lợi khác nữa là cơ hội việc làm của bạn sẽ đến dễ dàng hơn.

Như vậy các bạn đã đủ tự tin và chắc chắn sẽ tìm được công việc tốt, lương cao rồi.

Thứ năm, sau khi vào làm việc, theo mình giai đoạn này chỉ là mới bắt đầu thôi, vấn đề lương bổng không thực quan trọng lắm (nhưng cũng phải đủ để chi tiêu và dư ra một chút). Đến lúc đi làm nên làm hết sức lực, một số bạn mình thấy vì chê lương thấp nên chỉ làm nửa sức hoặc làm không tận tâm cho lắm, như vậy vô hình chung các bạn làm mình bị đánh giá thấp và cơ hội cho sau này cũng giảm bớt đáng kể. nên làm mình có giá trị trước rồi lúc đó có thể ngồi nói chuyện lương bỗng sau.

Thứ sáu, mình ý thức được khi công ty họ nhận bạn vào làm việc gì, hãy cố gắng làm thật tốt kể cả các công việc xung quanh, làm thế nào mà khi bạn làm có các vấn đề phát sinh các bạn nên tự giải quyết, quyết định chứ đừng chuyện gì cũng báo cáo sếp. như vậy bạn sẽ không được đánh giá cao vì không có khả năng làm việc độc lập. Nếu có các vấn đề khó, quan trọng nên tìm hiểu phương án giải quyết trước khi hỏi ý kiến chỉ đạo.

Cuối cùng, theo mình thì những công việc tốt thường thông qua giới thiệu giữa bạn bè, đồng nghiệp. Vì khi đăng tuyển thông qua mạng sẽ không được dễ dàng nhận vào vì họ không biết năng lực của bạn như thế nào. Ví dụ mình đi làm ở Malaysia cũng là từ bạn mình giới thiệu. Vậy nên trong quá trình làm việc, học tập các bạn nên làm tốt, mặc dù lương không tăng ở công ty này nhưng cơ hội, kinh nghiệm sẽ tích tụ để có thể tìm được công việc khác tốt hơn.

Trên là một số chia sẻ của mình và có lẽ sẽ khác với một số quan điểm của các bạn. Nhưng mình tin chắc rằng nếu bạn quyết tâm bây giờ thì chắc chắn thành quả tốt đẹp sẽ đến với bạn trong tương lai. Chúc các bạn thành công”.

Cũng xin nói thêm rằng, các anh chị cựu sinh viên cũng rất khiêm tốn, chân thành và Ban biên tập đưa gần như nguyên văn những chia sẻ của các anh chị Cựu sinh viên (vì là những tâm sự chân thành nên nếu không được trau chuốt câu văn, bố cục không suôn sẻ thì cũng mong độc giả thông cảm), đồng thời BBT sẽ không đưa tên tuổi cụ thể. Nếu cần thiết cần liên lạc, Khoa Xây dựng, Đại học Duy Tân sẽ là cầu nối cho các bạn. Ban biên tập cũng mong được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, anh chị đồng nghiệp, anh chị cựu sinh viên… để thế hệ anh chị em sinh viên có thêm kinh nghiệm sống, Khoa Xây dựng điều chỉnh đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên có cơ hôi việc làm cao hơn sau khi tốt nghiệp. Mọi đóng góp có thể chuyển về:

  • Văn phòng Khoa Xây dựng, ĐH Duy Tân, P202, số 03 Quang Trung, Đà Nẵng
  • Điện thoại: 02363827111 – 202; Email: khoaxaydung@duytan.edu.vn

Nguồn:

[1]-https://www.vietnamworks.com/tim-viec-lam